Lượt xem: 1127

Suy nghĩ về thực hiện chủ trương của Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm vì lợi ích chung là một chủ trương lớn, hợp với ý Đảng, thuận với lòng dân, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn luôn vận động, đổi mới. Song, không phải mọi đề xuất và lúc nào cũng đúng, cũng được chấp nhận, nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại kết quả mong muốn. Do đó, cần có sự lãnh đạo chặt chẽ, không vội vàng, nhưng cũng không do dự làm mất tính đột phá của các đề xuất, sáng kiến.

 


Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (Ảnh minh họa: TTXVN)

 

    Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có một kết luận riêng đề cập vấn đề này, trong đó xác định rõ đối tượng, nguyên tắc, nội dung và việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo của cán bộ làm căn cứ để thực hiện thống nhất trong cả hệ thống chính trị.

    1. Thực tiễn luôn vận động, biến đổi theo quy luật khách quan buộc nhận thức của con người cũng phải thay đổi, phát triển theo. Điều đó cũng có nghĩa là lý luận hiện hành có thể bị thực tiễn vượt qua, một số nội dung của các chủ trương, quy định đang thực hiện có thể không còn phù hợp, trở thành lạc hậu, trói buộc sự phát triển. Mặt khác, việc triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước bao giờ cũng diễn ra trong không gian, thời gian cụ thể khác nhau, lại phụ thuộc vào sự nhận thức, năng lực thực tiễn của các chủ thể. Do đó, muốn chống giáo điều, bảo thủ trong nhận thức và hành động thực tiễn, chúng ta phải đổi mới tư duy, sáng tạo cách làm mới và dám chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”. Vì vậy, để giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn đặt ra, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, quản lý các cấp cần phải đổi mới tư duy, sáng tạo cách làm mới để đạt kết quả tốt hơn.

    Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Đó cũng là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã căn cứ vào tình hình địch và khả năng tác chiến của quân đội và nhân dân ta, đã đề xuất cách đánh thông minh, sáng tạo là "nắm thắt lưng địch mà đánh". Đồng chí Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, vào năm 1966-1967, trong bối cảnh kinh tế hợp tác xã kém hiệu quả, đã cho phép nông dân tự cấy cày trên đất đai của hợp tác xã; đến cuối vụ được phép giữ lại sản phẩm vượt định mức. Đây là tiền đề cho “khoán 10” trong nông nghiệp của Đảng ra đời. Đồng chí Võ Văn Kiệt, khi làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đã quyết định “xé rào” mua gạo của nông dân theo giá thỏa thuận để giải quyết cái ăn của nhân dân thành phố. Và, khi làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã quyết chủ trương xây dựng Đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam năm 1992 trong bối cảnh gặp không ít rào cản, với những nghi ngờ dự án thất bại, gây lãng phí ngân sách... Và, còn rất nhiều những tấm gương tiêu biểu dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động để mang lại vinh quang cho Đảng, cho Tổ quốc. Nhờ có những con người đó đã góp phần quan trọng vào những chiến thắng to lớn của quân và dân ta trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những thành tựu to lớn của hơn 35 năm đổi mới mà nhân dân ta đã giành được.

    2. Vậy, lấy gì làm tiêu chí để đánh giá đúng - sai cho những ý tưởng mới, sáng tạo, có tính đột phá? Đây là vấn đề không đơn giản, phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hơn nữa, ranh giới giữa đổi mới, thực hiện các ý tưởng sáng tạo, dám làm những điều mới chưa ai nghĩ tới với vô tình hay cố ý làm trái những chủ trương, quy định hiện hành là rất mỏng manh. Điều này làm cho nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều nơi có tâm lý sợ sai nên né tránh, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền có chiều hướng gia tăng. Từ đó họ cho rằng “thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa án”. Thậm chí, có cán bộ lãnh đạo phát biểu trên một diễn đàn rằng: Cán bộ, công chức chỉ cần thực hiện đúng quy định là tốt rồi, không cần sáng tạo, đột phá. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, đùn đẩy, né tránh, không dám làm hay làm cầm chừng vì sợ sai, sợ trách nhiệm. Tình hình này không những xuất hiện trong khu vực công mà còn lan đến khu vực tư, không những làm giảm hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền, gây ách tắc, cản trở sự phát triển của đất nước, mà nghiêm trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Tình trạng sợ sai, đùn đẩy “làm cho công việc bị trì trệ, giậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời”.

    Nguyên nhân của tình hình trên: Về khách quan, có thể do quy định của pháp luật còn những điểm chưa phù hợp; hướng dẫn thực hiện của các ngành chức năng chưa kịp thời, chưa đồng bộ, thậm chí thiếu thống nhất, nên người thực hiện không biết làm thế nào cho đúng. Về chủ quan (là chủ yếu), đó là: Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu còn hạn chế, không kịp thời cập nhật các chủ trương, quy định mới của Đảng và Nhà nước có liên quan để tránh hiểu sai, làm sai; thiếu bản lĩnh, tinh thần làm việc thụ động, trông chờ ý kiến cấp trên ...

    Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, cán bộ dám đột phá, sáng tạo luôn phải đối diện với nhiều áp lực. Đó là kỷ luật Đảng, sự nghi ngờ về động cơ thực hiện, thậm chí là những hậu quả nặng nề nếu như “sáng tạo”, “đột phá” thất bại. Để đánh giá đúng - sai, tích cực - tiêu cực đối với những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo trong thực thi công vụ cần dựa vào tiêu chí chung - đó là kết quả mang lại - nhưng, kết quả đó mang lại lợi ích cho ai, cho một người, nhóm người hay cho xã hội? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải cố gắng làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Đây là kim chỉ nam cho mọi hành động sáng tạo, đột phá của cán bộ, đảng viên và là tiêu chí đánh giá hành động “6 dám” của cán bộ, đảng viên hiện nay.

    3. Quán triệt tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và để thực hiện tốt Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), thiết nghĩ cần quan tâm 4 vấn đề sau:

    Một là, mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (chứ không chỉ cán bộ lãnh đạo, quản lý) trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đều được khuyến khích đổi mới tư duy, dám làm, dám đột phá, quyết đoán, vì lợi ích chung. Mọi đề xuất hay ý tưởng mới có tính đột phá của cán bộ phải xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm giải quyết những khó khăn, điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan hay những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi, lĩnh vực công tác; tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa hiệu quả, không còn phù hợp với thực tiễn nhằm tạo được chuyển biến mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Các đề xuất đổi mới, sáng tạo phải bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Bản thân cán bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành tổ chức, kỷ luật, thượng tôn Hiến pháp và Điều lệ Đảng, trung thực, công tâm, khách quan, tất cả vì lợi ích chung.

    Hai là, mọi ý tưởng sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo của cán bộ, công chức có được xem xét, triển khai thực hiện hay không là do cấp ủy, tập thể lãnh đạo, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định, đó là nguyên tắc. Do đó, các cấp ủy, trước hết và thường xuyên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm trực tiếp, công tâm, khách quan xem xét, khuyến khích và bảo vệ cán bộ thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình, nhất là cán bộ có tư duy đổi mới, thẳng thắn, trung thực, dám nói lên sự thật, dám đề xuất thay đổi những thói quen, cách làm không tốt có thể làm ảnh hưởng, cản trở chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Trong trường hợp ý tưởng mới không nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo cơ quan, đơn vị hay vượt thẩm quyền hay thì cán bộ có ý tưởng mới, đột phá có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.

    Khi các ý tưởng mới, cách làm đột phá được chấp thuận, các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện nhằm mang lại hiệu quả thiết thực. Có như vậy, thì cán bộ mới có điều kiện, cơ hội đổi mới, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, mới có chỗ dựa và không bị nhận xét chủ quan, phiến diện, có điều kiện để cống hiến, vươn lên. Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cán bộ, cấp dưới thêm động lực, vững tin hơn trên hành trình chinh phục cái mới.

    Ba là, những cán bộ, công chức khi triển khai thực hiện những ý tưởng mới có thể chịu nhiều áp lực, thậm chí gặp rủi ro, không đạt kết quả mong muốn, cần được xem xét, đánh giá cụ thể, khách quan, công tâm để bảo vệ họ, bảo vệ tổ chức có thẩm quyền phê duyệt thực hiện ý tưởng mới đó. Khen thưởng kịp thời những cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung, đem lại hiệu quả cao; đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức lợi dụng việc bảo vệ này để tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Kịp thời rà soát, mạnh dạn thay thế hoặc điều chuyển công tác đối với những cán bộ, công chức hạn chế, yếu kém về phẩm chất, đạo đức, năng lực thực tiễn; tạo môi trường bình đẳng và động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng, công chức.

    Bốn là, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ tham mưu, giúp việc cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị về công tác cán bộ trong nhận xét và phối hợp với các bộ phận, cơ quan trong phát hiện, đề xuất những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là khâu rất quan trọng để thực hiện việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám” trong thực tiễn và hạn chế được sự tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ.

    Hơn lúc nào hết, bên cạnh những yêu cầu về phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đây cũng là biểu hiện cụ thể của việc học theo Bác, làm theo Bác “nói đi đôi với làm”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Nếu không có phẩm chất “6 dám” ở mỗi cán bộ, đảng viên thì đất nước không thể phát triển nhanh, bền vững, hội nhập với dòng chảy phát triển của nhân loại.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 6066
  • Trong tuần: 76,773
  • Tất cả: 11,800,093